Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

NÔNG DÂN VIẾT SÁCH DẠY LÀM GIÀU

 

 Mới học hết trường làng nhưng ông đã nhiều năm đứng trên bục giảng để truyền lửa cho nhà nông. Ông là tỷ phú nấm Phan Công Minh ở khu phố Đà Sơn, (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Học nghề để dạy nghề
 
Chỉ bảy sào ruộng khoán, quanh năm phải đối diện với cái nghèo. Cái đói cứ rình rập nếu gặp một vụ mùa thất bát. Trăn trở mãi nhưng không tài nào tìm được cách để thoát nghèo. Đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, chính quyền yêu cầu nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng. Nói thì dễ nhưng làm quả thật là việc quá khó đối với người nông dân.  
 
“Rồi trong một chuyến tha phương vào miền Nam tìm việc, tôi biết một nông dân ở Đồng Tháp có một trại nấm làm ăn hiệu quả. Nhưng muốn vào đó học nghề thì rất khó. Phải đóng phí. Làm việc không có tiền công. Biết lấy gì để sống, trong khi người vợ ở quê hằng ngày phải đối mặt với bao khó khăn. Năm đứa con đã tuổi ăn học. Tôi năn nỉ ông chủ nấm cho vào làm, trả công bao nhiêu cũng được miễn là đủ sống và có ít tiền gửi ra cho vợ nuôi con. Tôi âm thầm học nghề từ đó” – Ông Minh kể lại.

Sau năm tháng học nghề ông trở về quê với bao dự định nhưng bất thành bởi không có đồng vốn. Việc trồng nấm không đơn giản, nếu không cẩn thận tính toán đến độ ẩm, nhiệt độ kỹ lưỡng có khi mất trắng. Ông đã làm và thất bại.

Ông khăn gói vào Nam một lần nữa mới rút ra được kinh nghiệm để đời: Thời tiết và độ ẩm ở miền Nam khác miền Trung nên người trồng nấm không được rập khuôn theo qui trình cũ. Lần này trở về ông đã thành công với thu hoặch lứa đầu hơn 100kg nấm tươi.

Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng nấm của ông được nhiều người từ TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị và xa hơn nữa tìm đến. Ông quyết định vay 40 triệu đồng của hội Nông dân đầu tư mở rộng cơ sở của mình lên 4.000 m2. Ngoài trồng nấm gia đình ông còn xây hồ nuôi ếch công nghiệp.

Tận dụng nguồn rơm thải ra từ nấm, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ông chế biến thành phân vi sinh. Hằng năm chỉ riêng việc bán phân ông cũng thu được vài chục triệu đồng. Điều kiện kinh tế khá giả nên mấy đứa con ông được ăn học tử tế. Ông đã có bốn người con tốt nghiệp đại học. Một người vừa mới du học Nhật Bản về đang theo học thạc sĩ.

Từ hai bàn tay trắng, giờ đây gia đình ông đã có một cơ ngơi đồ sộ. Không chỉ lo cho con cái ăn học đàng hoàng, thấy con em trong phường hằng ngày thiếu thốn, phải đi học xa, ông viết đơn xin phép phòng Giáo dục- Đào tạo quận Liên Chiểu được mở trường Mầm non tư thục. Đầu năm 2005 trường chính thức đi vào hoạt động với ba lớp, 120 cháu, giải quyết việc làm cho 5 giáo viên trẻ.

Nông dân viết sách dạy làm giàu

Chính mô hình trồng nấm của ông bài bản, đạt hiệu quả cao nên Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành mời ông về dạy trong các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp. “Là một nông dân “chính hiệu” như tôi biết dạy cái gì, biết nói sao cho bà con dễ hiểu? Ban đầu đứng trên bục giảng tôi run như cá trên thớt, không biết trình bày thế nào” - Ông Minh tâm sự.

Một thời gian sau ông được Sở LĐ-TB&XH cử đi học lớp nghiệp vụ sư phạm để có thêm kinh nghiệm truyền đạt kỹ thuật đến nông dân. Nhằm giúp cho nông dân ở tỉnh xa không có điều kiện đến học tập mô hình, ông viết 4 cuốn sách.

Trong đó có ba cuốn về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm rơm và một cuốn về kỹ thuật nuôi ếch công nghiệp. Các tài liệu này điều được Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng phối hợp với giảng viên của các trường Đại học Nông lâm kiểm định.

Hàng năm cơ sở trồng nấm Phú Tài của ông tiếp nhận hàng trăm sinh viên từ các trường đại học đến học tập, nghiên cứu. Đưa cho chúng tôi xem bản hợp đồng giảng dạy với Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN Đà Nẵng) ông Minh tâm sự:

“Mặc dù đang vào lứa thu hoạch nấm, đêm nào cũng tranh thủ dạy từ hai ba giờ sáng để làm. Họ mời mà mình từ chối là không được. Có đi lần tìm học hỏi mới biết người nông dân khổ như thế nào trong việc học tập mô hình làm ăn. Trước kia, tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy nên bây giờ có ai nhờ là tôi sẵn sàng ngay”.

Mấy năm nay ông là người thầy trong các lớp tập huấn về mô hình nuôi ếch và trồng nấm. Bất kể địa phương đó trong Nam hay ngoài Bắc ông cũng nhận lời. “Sắp tới tôi sẽ đầu tư vào trang trại trồng nấm, nuôi ếch, trồng hoa khoảng 2 tỷ đồng trên diện tích 8.100m2”- Ông Minh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét