Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

LÀM GIÀU TỪ NUÔI TRĂN!

  Làm giàu từ nuôi trăn


Làm thế nào để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình? Đó là điều luôn làm ông Nguyễn Phước Sanh, một nông dân ở tỉnh Hậu Giang trăn trở trong suốt nhiều năm liền. Trong những lần chở khách đi mua trăn, ông nẩy sinh ý định nuôi thử nghiệm loài vật này. Đến nay, sau hơn 10 năm ông đã có câu trả lời với đàn trăn phát triển tốt và cho thu nhập ổn định.


Một con trăn trưởng thành nặng khoảng 40kg, có giá hơn 10 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Phước Sanh có gần một trăm con như thế.

Ông Nguyễn Phước Sanh - Nông dân xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang cho biết: “Trước đây làm nghề chạy xe lôi, thấy người ta nuôi trăn, tôi thử nuôi và thấy đạt hiệu quả cao”.

Với 2 con nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay taổng đàn trăn của ông Nguyễn Phước Sanh đã lên đến vài trăm con. Cùng với nuôi trăn để lấy da, với giá bán ra thị trường hiện tại khoảng 250.000 đồng/kg, gia đình ông còn sản xuất con giống cung cấp cho các hộ nuôi trong vùng. Một con giống có trọng lượng từ 4,5kg đến 6kg, ông bán giá 900.000 đồng, nên mỗi năm nguồn lợi nhuận 60 triệu đồng là cầm chắc trong tay.  

Ông Nguyễn Phước Sanh cho biết thêm: “Chăm sóc khỏe, lợi nhuận cao hơn nuôi heo, gà. Một mình tôi chăm sóc hai ba trăm con không cần đến người khác vẫn có thời gian dư đi ruộng”.

Theo tính toán của người nuôi thì mỗi năm trăn sinh sản một lần, số lượng từ 35 đến 40 trứng. Tỉ lệ hao hụt rất ít chỉ khoảng 10%. Trăn là vật nuôi ít bị bệnh, nguồn thức ăn dễ tìm, chủ yếu là chuột và gà công nghiệp. Nhờ lợi thế đó và nguồn giống có sẵn, trong thời gian tới ông dự định sẽ mở rộng mô hình nuôi với quy mô lớn hơn.

Ông Lê Hoàng Ấu - Trưởng trạm khuyến nông, khuyến ngư thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang cho biết: “Để phát triển nghề nuôi trăn bền vững, phòng nông nghiệp cũng tổ chức tập huấn cho nông dân, tổ chức hội thảo tham quan các mô hình nuôi có hiệu quả trên 100 con. Đồng thời kết hợp với ngân hàng chính sách, Hội nông dân cho nông dân vây vốn để tăng đàn trăn địa phương”.

Với tư duy sáng tạo, linh hoạt trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, hiện nay, có rất nhiều nông dân ở ĐBSCL vươn lên làm giàu mà không cần diện tích đất quá rộng. Mô hình nuôi trăn của ông Nguyễn Phước Sanh ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là một điển hình như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét