Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

LÀM GIÀU BẰNG NGHỀ NUÔI NHÍM!


Anh Vũ Duy Linh, thôn Hội Xá, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang được nhiều người biết đến với cái tên "Linh-nhím" hay anh là người đưa "nghề nuôi nhím" về đầu tiên trong thôn, xã. Anh là tấm gương cho khát vọng làm giàu của lớp thanh niên trẻ xã Tân Quang nói riêng và huyện Ninh Giang nói chung.

Ninh Giang là huyện thuần nông, chủ yếu nông dân trong huyện trồng lúa, phát triển cây, con là thế mạnh kinh tế của huyện. Trong những năm gần đây, nhiều mô hình kinh tế trang trại phát triển: chăn nuôi lợn, gà, vịt, nuôi cá, ba ba... gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, giá thành bấp bênh, dịch bệnh. 

Sau những năm tháng làm kinh tế ở Quảng Ninh, anh Vũ Duy Linh luôn trăn trở tìm hướng làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương của mình, là người "dám nghĩ, dám làm", anh Linh đã đi học hỏi ở nhiều nơi về các mô hình kinh tế trang trại sau đó về quê hương lập nghiệp, khác với những hộ nông dân khác trong làng, anh không xây dựng mô hình kinh tế trang trại nuôi gà, vịt, thuỷ sản...anh đầu tư nuôi nhím.

Vào năm 2007, nghề nuôi nhím còn rất mới đối với thôn Hội Xá, xã Tân Quang, anh mạnh dạn đầu tư mua 4 đôi nhím, với giá 9.000.000/ 1 đôi nhím. Để nuôi nhím đạt hiệu quả cao. Anh đã tìm tòi qua sách, báo và tham khảo một số mô hình phát triển kinh tế trang trại ở Ba Vì, Xuân Mai (Hà Nội), Đông Triều (Quảng Ninh), sau đó anh lên tận Sơn La tìm mua giống nhím chất lượng.

Đến nay mô hình nuôi nhím của gia đình anh đã phát triển đàn lên 30 đôi, giá bán một đôi nhím giống trên 15 triệu đồng, nhím thương phẩm có giá từ 500 đến 600 nghìn đồng/kg. Như vậy mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu được trên 150 triệu đồng từ nuôi nhím.

Anh cho biết: Nhím là loại động vật hoang dã, ăn tạp, ban ngày ngủ, ít ăn, nhưng ban đêm ăn rất khoẻ. Nhím có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bị bệnh, không phải lo lắng về đầu ra và rất phù hợp với nhu cầu chuyển đổi nghề của người dân trong quá trình đô thị hoá, khi mà quỹ đất sản xuất ngày càng ít đi, đó là những điều kiện thuận lợi để anh quyết định nuôi nhím. Nhưng nuôi nhím đạt hiệu quả kinh tế cao cần phải nuôi đúng quy trình kỹ thuật.

Chuồng trại phải đạt yêu cầu thoáng mát về mùa hè, ấm và tránh gió lùa về mùa đông, chuồng xây cao 1,5m trong chuồng có đặt các máng ăn bằng sành sứ để đựng nước uống và thức ăn, hướng chuồng nuôi theo hướng Nam hoặc Đông Nam là tốt nhất, mỗi chuồng nuôi một con đực và một con cái.

Không chỉ chăn nuôi với mục đích làm giầu cho bản thân, anh còn tích cực vận động cho bà con trong thôn cùng tham gia nuôi nhím, nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm của mình. Hiện nay, trong thôn Hội Xá có 23 hộ nuôi nhím, nhiều hộ thoát nghèo, trở nên giàu có, nuôi nhím mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Anh mong nghề nuôi nhím sẽ phát triển mạnh trong xã Tân Quang và ra ngoài tỉnh.

Năm 2009, những hộ nuôi nhím tại thôn Hội Xá đã thành lập "Hội những người nuôi nhím" với mục đích giúp người nuôi nhím gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với nhau, cũng như tiến hành trao đổi nhím bố, mẹ để tránh hiện tượng cận huyết làm thoái hóa giống tạo ra nguồn giống phong phú cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Đến nay hội đã có trên 23 hộ nuôi nhím với số lượng nhím lên tới trên 100 cặp nhím bố mẹ sinh sản.
 
Nhím là vật nuôi còn mới lạ đối với nhiều người dân chăn nuôi, bởi đây là động vật sống hoang dã. Nhưng nhím là một đối tượng dễ nuôi, lại có giá trị kinh tế cao, nên việc ra đời "Hội những người nuôi nhím", cung cấp nhím giống này sẽ là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trong tỉnh có cơ hội nhân rộng mô hình nuôi nhím đem lại thu nhập cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét