Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

LÀM GIÀU NHỜ TRỒNG CÂY HIẾM: LINH DƯỢC HOÀNG CHI!

 

TS Ngô Anh kể, từ thời Pháp thuộc, nấm hoàng chi đã từng được các chuyên gia sinh vật của Pháp công bố có ở miền Bắc, tuy nhiên từ đó đến nay cũng chưa có một nghiên cứu nào.
Giới khoa học trong nước gọi Ngô Anh (khoa Sinh, trường Đại học Khoa học Huế) bằng cái tên thân mật “tiến sĩ nấm”, bởi ông đã phát hiện và nuôi cấy thành công nhiều loài nấm, trong đó có linh dược quý hiếm hoàng chi.

Được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp ở trường Đại học Tổng hợp Jena (Đức), từ năm 1978, tiến sĩ (TS) Ngô Anh và các cộng sự đã bắt tay nghiên cứu đề tài khu phức hệ nấm ở Thừa Thiên-Huế. Sau 30 năm lặn lội ở 4 vùng sinh thái khác nhau (núi cao, đồi, đồng bằng, cát ven biển và ngập mặn), nhóm nghiên cứu của TS Ngô Anh đã công bố kết quả đề tài khu phức hệ nấm ở Thừa Thiên-Huế gồm 364 loài, 134 chi, 55 họ, 28 bộ gồm 4 lớp, trong 3 ngành nấm ở VN. Trong đó, xác định được 65 loài nấm ăn, 20 loài nấm dược liệu, 10 loài nấm độc và 14 loài nấm phá hoại gỗ. Đặc biệt, công trình nghiên cứu này cũng phát hiện thêm 39 loài nấm mới cho VN, trong đó có nấm hoàng chi. 

TS Ngô Anh kể, từ thời Pháp thuộc, nấm hoàng chi đã từng được các chuyên gia sinh vật của Pháp công bố có ở miền Bắc, tuy nhiên từ đó đến nay cũng chưa có một nghiên cứu nào. “Nhìn thấy cây nấm, chúng tôi vô cùng sung sướng. Lâu nay trong tài liệu có ghi, nhưng để nhìn thấy tận mắt, được sờ vào loài linh dược huyền thoại này thì dường như giới khoa học cả nước chưa ai có được may mắn như vậy. Không bõ công 30 năm lặn lội sống cùng rừng núi..." - TS Ngô Anh nói. 

Nấm hoàng chi (tên khoa học Ganoderma Colossum) là một trong 6 loài nấm quý hiếm thuộc họ linh chi được mệnh danh là “lục bảo linh chi” dùng làm dược phẩm. Hoàng chi có chứa 7 hoạt chất thuộc nhóm Triterpenoid là Colossolactones từ A-G (1-7) có tác dụng điều hòa sự nhiễm độc của các tế bào, chống lại các tế bào ung thư và chống viêm nhiễm. 

Nấm hoàng chi thường phân bố tại các vùng rừng nhiệt đới. Sau quá trình phát hiện và nghiên cứu, TS Ngô Anh đã xác định được đặc điểm sinh thái, môi trường sinh trưởng, cấu trúc hóa học của gen... 

Từ những kết quả này, ông bắt tay nghiên cứu nuôi trồng trong phòng thí nghiệm, và sau gần 3 năm ròng rã với nhiều phương pháp khác nhau, cuối cùng những cây nấm hoàng chi đã mọc lên trong phòng thí nghiệm. Ông trở thành người đầu tiên nuôi cấy thành công nấm hoàng chi ở VN, và bắt đầu chuyển sang nuôi cấy nấm tại nhà.

Thành tựu khoa học trong việc nuôi cấy thành công nấm hoàng chi đang mở ra hy vọng mới cho việc nghiên cứu, điều chế các loại dược phẩm trị bệnh ung thư, bệnh viêm nhiễm. TS Ngô Anh cho biết: nhiều bệnh nhân ung thư đã tìm đến ông. Kết quả dùng nấm hoàng chi phối hợp trong “Lục bảo linh chi” cho thấy các triệu chứng ung thư được đẩy lùi, người bệnh cải thiện được chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Năm 2008, tại hội thảo về tài nguyên sinh học tổ chức tại Hải Phòng, TS Ngô Anh còn công bố kết quả trồng thành công thêm 15 loại nấm linh chi dược liệu quý hiếm, trong đó có 5 loài lần đầu tiên trên thế giới được trồng thành công, gồm: cổ linh chi - Ganoderma (G.) australe; hoàng chi (linh chi vàng) - G.Colossum; 3 loài xích chi (linh chi đỏ) - G.Multiplicatum, G.Resinaceum, G.Ramossimum.

Từ kết quả nuôi cấy thành công, TS Ngô Anh cho biết, nếu doanh nghiệp hoặc công ty dược nào có nhu cầu trồng để chế biến các dược phẩm, thực phẩm chức năng, ông có thể cung cấp nguồn giống quý và chuyển giao công nghệ. Tại Hội chợ Công nghệ VN tổ chức tháng 9.2008, TS Ngô Anh cũng đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình và chào bán công nghệ với khách hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét