Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

LÀM GIÀU NHỜ TRỒNG CÂY HIẾM: DIỆP HẠ CHÂU


Diệp hạ châu đắng (tên khoa học Phyllanthus amarus) là cây thuốc đã được người dân dùng từ lâu đời để chữa viêm gan, vàng da, viêm thận, phù thũng, điều kinh. Gần đây, được chiết xuất chế tạo ra viên nang Hamega giúp hạ men gan, bảo vệ và giải độc gan do bia rượu, hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B, xơ gan, điều trị viêm gan do vi-rút... Nhu cầu nguyên liệu diệp hạ châu đắng hiện đang rất lớn trong nước và trên thế giới. 

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung (TTDLMT) đóng tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên cho biết: hiện đã triển khai trên 20 ha cho 100 hộ nông dân tại Phú Yên trồng diệp hạ châu. Kết quả khảo nghiệm nhiều năm qua của TTDLMT cho thấy điều kiện sinh thái vùng ven sông, đất cát tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa... rất thích hợp trồng cây diệp hạ châu chất lượng cao để chế biến thuốc và xuất khẩu.

Một vùng rộng lớn đất rau màu phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa, Phú Yên) nằm ven hạ lưu sông Ba, chỉ trong vài năm nay đã trở thành một vùng chuyên canh diệp hạ châu trù phú. Ông Châu Văn Đồng (ở khu phố 3, phường Phú Thạnh) kể: gia đình ông chuyển 6 sào (500m2/sào) đất trồng rau màu sang thâm canh diệp hạ châu từ 2 năm nay; quy trình kỹ thuật, giống và một số loại phân bón vi sinh đều được TTDLMT hỗ trợ, lãi ròng luôn xấp xỉ 60 triệu đồng/năm, gấp 2 lần trồng rau màu và gấp 10 lần trồng lúa trên cùng diện tích.

Một ưu điểm nữa, theo ông Đồng, là chỉ cần làm đúng quy trình làm đất kỹ, tưới nước nhẹ mỗi ngày hai bận, bón phân vi sinh đúng liều... thì chẳng phải lo sâu bệnh hay cây kém phát triển.

Cuối năm 2008, Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh Phú Yên đã cho triển khai dự án “Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn, phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu”. Theo đó, với kinh phí trên 1,8 tỉ đồng, từ nay đến cuối năm 2010, TTDLMT sẽ chuyển giao giống, vốn và công nghệ cho nông dân trồng 15 ha dược liệu, trong đó cây diệp hạ châu chiếm đến 10 ha. Dự án đảm bảo đầu ra cho người trồng với thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Diệp hạ châu có thể cho năng suất 15-16 tấn/ha/vụ từ 50-60 ngày, mỗi năm trồng được 4-5 vụ.

Kỹ sư Tuyết Anh lưu ý: “Nông dân muốn trồng diệp hạ châu nên liên hệ và có hợp đồng cụ thể với các đơn vị chức năng để đảm bảo cung ứng sản phẩm đúng tiêu chuẩn theo sự điều tiết của nhu cầu thị trường, tránh rủi ro”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét