Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

LÀM GIÀU NHỜ NGHÊU!

 
Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển giới hạn bởi cửa Soài Rạp (sông Soài Rạp) ở phía bắc và cửa Đại (sông Tiền) ở phía nam. Các bãi bồi ven biển này không chỉ là nơi sinh sôi, phát triển của nhiều loại thủy đặc sản mà còn có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản xuất khẩu với các đối tượng có giá trị: tôm sú, tôm thẻ, nghêu, sò huyết...



Hưởng ứng chủ trương của nhà nước về huy động các tiềm năng đất đai, lao động để làm giàu đồng thời tạo nguồn nông sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu, trong hơn hai mươi năm qua, nông dân Trần Văn Chỉ, cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành, Gò Công Đông kiên trì bám vùng bãi bồi “đầu sóng ngọn gió” nơi đây để đưa vào nuôi nghêu xuất khẩu. 

Gia đình ông khai thác 6 ha đất bãi bồi ven biển Tân Thành đưa vào nuôi nghêu từ năm 1990. Vùng đất này thuận lợi để con nghêu phát triển mạnh. Gần đó, tại các cồn bãi ven vàm Cửa Tiểu như: cồn Ông Mão, cồn Ông Liễu, cồn Vượt ...đều là những bãi đẻ tự nhiên của con nghêu, con sò huyết...cung cấp nguồn giống quan trọng phục vụ nhu cầu nuôi của người dân ven biển Gò Công nói riêng và ven biển Nam bộ nói chung. 

Nói về phương pháp nuôi nghêu, ông Chỉ cho biết, khá đơn giản, chủ yếu dựa vào tập quán sinh trưởng tự nhiên của con nghêu. Cứ vào tháng 4 âm lịch hàng năm ông mua giống nghêu với kích cỡ 900 con/kg về thả. Trung bình 6 ha đất bãi bồi cần lượng giống đến 10 tấn. Sang tháng 9, tháng 10 âm lịch năm sau (chu kỳ nuôi 18 tháng) thì thu hoạch. Khi ấy, nghêu đạt trọng lượng 45 – 50 con/kg. 

Vụ nuôi gần đây nhất ông thả giống vào tháng 4 âm lịch năm 2010 và thu hoạch vào cuối năm 2011. Sản lượng nghêu thương phẩm đạt 60 tấn, giá bán 31.000 đ/kg, sau khi trừ đi chi phí cần thiết, ông còn lãi ròng 560 triệu đồng. Nuôi nghêu trên bãi bồi ven biển Gò Công không tốn thức ăn, chỉ tốn các khoản chi phí cần thiết: con giống, công quản lý, lưới chắn nghêu, dầu chạy ghe, công thu hoạch.... 

Về con nghêu và nghề nuôi nghêu, ông Trần Văn Chỉ đánh giá, đây là nghề độc đáo ở ven biển Gò Công. Nghêu là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu. Ngày trước, nuôi nghêu “giàu to” bởi chi phí thấp, năng suất, sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn, ít rủi ro. Ngày nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề nuôi nghêu luôn đối mặt với các thách thức: giá đầu vào tăng cao, nghêu bệnh chết...Dăm năm trở lại đây, năm nào cũng vậy. Cứ vào độ tháng 12 âm lịch đến tháng 3 âm lịch, nghêu nuôi vùng ven biển Gò Công hay bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Nông dân nuôi thì cho là do ô nhiễm nguồn nước. Tỉ lệ thiệt hại rất lớn, từ 70 – 90%. 

Riêng bản thân qua kinh nghiệm tích lũy của hơn hai mươi năm trong nghề nuôi nghêu, ông Trần Văn Chỉ quan tâm lịch thời vụ thả nuôi, thời vụ thu hoạch, theo dõi sức tăng trọng của con nghêu, chất lượng con giống khi thả nuôi...nên giảm bớt được thiệt hại, đời sống ngày càng ổn định nhờ nguồn thu nhập khấm khá. 

Chỉ vào ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Trần Văn Chỉ bảo, con nghêu là đầu cơ nghiệp của tôi. Với thu nhập cao tích lũy qua nhiều năm, ông Chỉ ngày nay không chỉ vượt khó thoát nghèo mà còn trở thành tấm gương triệu phú nông thôn tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Bản thân ông trong năm qua cho hai hộ nghèo trong xã mượn 100 triệu đồng làm vốn phát triển nuôi bò không lấy lãi. Đó là nghĩa cử đẹp đáng biểu dương của người nông dân triệu phú miền đất nhiễm mặn đầy khó khăn, sóng gió năm nào ở Tiền Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét