Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

LÀM GIÀU NHỜ NUÔI KÌ ĐÀ!

 
Hơn 1 năm qua, anh Trần Duy Nhị ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, với nghề nuôi... kỳ đà. Người dân trong vùng đều gọi anh là Nhị “kỳ đà”.
 
Vốn ít, lãi nhiều

Nhìn những con kỳ đà to, khỏe nằm phơi mình dưới nắng, anh Trần Duy Nhị khoe: “Những ngày lo lắng đã qua, giờ là thời điểm rút tiền về rồi, mỗi con kỳ đà là một cái máy đẻ ra tiền!”. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, anh Nhị nói ngay: “Từ việc bán con giống và thịt, trong vòng 5 tháng qua, gia đình tôi đã bỏ túi ngót nghét cả trăm triệu đồng rồi đấy”.

Cơ duyên đưa anh Nhị đến với kỳ đà thật tình cờ. Cuối năm 2007, trong một lần ra thăm người thân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thấy gia đình bên cạnh nuôi kỳ đà, anh rất ngạc nhiên vì không ngờ con vật được xem là “rồng đất” chủ yếu sống ở vùng rừng núi - lại nuôi được tại nhà. Sau mấy ngày lân la tìm hiểu, anh Nhị mua 2 con, mỗi con chừng 1,2 kg với giá gần 900.000 đồng, đem về quê nuôi thử.

Vừa nuôi, anh Nhị vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh, 2 con kỳ đà sau một tháng bắt đầu thích nghi với môi trường, lớn nhanh, trọng lượng mỗi con tăng lên hơn 0,4 kg. Quá mừng, anh Nhị “bay" ngay ra Bắc Giang mua thêm 39 con, xây dựng chuồng trại chừng 24m2, quyết chí làm giàu từ kỳ đà.

Giữa năm 2008, anh xuất bán lứa giống đầu tiên 21 con thu về gần 9 triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Từ đó đến nay, anh đã bán hàng trăm con kỳ đà giống và thịt từ Bình Định đến Quảng Nam, thu về trên 150 triệu đồng.
Dễ nuôi và chăm sóc



Thịt kỳ đà có thể chế biến thành nhiều món ăn, da là nguyên liệu quý để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Theo dân gian, mật kỳ đà trị bệnh hen suyễn, động kinh, gan nhiễm mỡ...





Theo anh Nhị, nuôi kỳ đà ít lo lắng chuyện dịch bệnh. Kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn chính là da heo, các phụ phế phẩm ở lò mổ đem về nấu chín; thậm chí mùa đông chỉ cần cho ăn vài con cóc nhái là kỳ đà có thể sống cả tháng. Chuồng trại nuôi kỳ đà của anh Nhị cũng rất giản đơn, chỉ cần ngăn làm hai, một ngăn đổ cát thành từng đống dành cho kỳ đà ngủ, đào hang đẻ trứng, còn ngăn kia là “sân chơi” để phơi nắng, ăn uống.

Món khoái khẩu của kỳ đà chính là cóc, nhái, ốc... giúp chúng lớn nhanh và cũng chính là “thuốc” phòng ngừa bệnh táo bón. Mỗi khi thay da, con này bám vào con kia làm trầy xước nên kỳ đà hay bị nấm ngoài da, do vậy phải bấm hết móng chân.

Ngoài ra, về đêm kỳ đà hay bò ra “sân chơi” uống nước rồi nằm luôn trong máng nên chiều tối phải thay nước, dội chuồng sạch sẽ phòng bệnh ký sinh trùng. Anh Nhị bảo rằng nuôi kỳ đà rất khỏe lại nhàn, chỉ sau 1 năm mỗi con có thể đạt trọng lượng 6 - 7 kg, giá bán khoảng hơn 2 triệu đồng/con.

Thông thường, kỳ đà khi nặng 2 kg thì bắt đầu động dục, mỗi năm chỉ một lần đẻ từ tháng 7 - tháng 10. Sau 4 tháng mang thai, mỗi con kỳ đà trong một giờ đồng hồ đẻ từ 27 - 35 trứng, sau 28 ngày ấp công nghiệp, những chú kỳ đà con ra đời. Anh Nhị kể, những đợt ấp đầu tiên bị thất bại liên tục, tỷ lệ nở chỉ đạt khoảng 17%, anh phải 3 lần ra lại Bắc Giang “học lỏm” kỹ thuật ấp công nghiệp, đến nay mới thành công với tỷ lệ nở đạt gần 80%.

“Kỳ đà là con vật ưa nóng, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 600C nhưng không chịu được lạnh dưới 100C, do vậy vùng đất từ Quảng Bình trở vào, nhất là khu vực miền Trung đều có thể nuôi được”, anh Nhị khẳng định. Với mong muốn phát triển mạnh mô hình nuôi kỳ đà, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu nên những người đến mua giống, anh Nhị đều nhiệt tình hướng dẫn từ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, ấp nở giống...

“Kỳ đà - con vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam hiện đang bị săn bắt ráo riết, ước gì có cơ quan chuyên môn nào đó đứng ra thành lập hiệp hội những người nuôi động vật bò sát để các hộ nông dân được nhân nuôi rộng rãi. Đó là cách tốt nhất bảo vệ loài bò sát quý hiếm này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, anh Nhị nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét